Cây măng cụt trên đất Cát Tiên
Ðược anh em Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng Nông nghiệp huyện đưa đi thăm các xã Ðức Phổ, Gia Viễn, thị trấn Cát Tiên… tôi hết sức ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn trái bạt ngàn, trĩu quả. Hơn 10 năm trở lại đây, một số loài cây trồng mới giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây đã “bén rễ” trên đất Cát Tiên; trong đó, cây măng cụt đang mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân các xã trong huyện.
Sự tìm tòi, sáng tạo
Nhiều năm qua, một số loại cây trồng có nguồn gốc từ các vựa cây trái nổi tiếng của miền Tây đã được nông dân Cát Tiên “di thực” về với vùng đất nắng lắm, mưa nhiều và khá khắc nghiệt này. Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, hiện nay, trong toàn huyện có 270 ha chôm chôm, 55 ha sầu riêng, 80 ha măng cụt… được trồng ở các xã, thị trấn.
Qua nghiên cứu đặc tính sinh trưởng và giá trị kinh tế của cây măng cụt: ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Cát Tiên; cho sản lượng rất cao, giá bán trên thị trường khá cao và ổn định, chính quyền huyện Cát Tiên đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm tăng năng suất nông sản và nâng cao mức thu nhập cho các hộ gia đình.
Giai đoạn 2006 - 2007, cùng với khuyến cáo, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện đã đầu tư hỗ trợ giá để nông dân tăng diện tích các loại cây trồng mới, nhất là cây măng cụt. Hiện nay, nếu nói thị trấn Cát Tiên là “vựa” cây dược liệu Diệp hạ châu thì xã Đức Phổ (có 5 thôn) là “thủ phủ” của cây măng cụt với 40 ha (chiếm 50% diện tích toàn huyện); còn lại, xã Quảng Ngãi 20 ha, xã Phước Cát khoảng 20 ha… Phần lớn diện tích măng cụt đã có từ 6 - 10 năm tuổi, rất xanh tốt và đang cho những mùa quả ngọt…
Cây “dưỡng già”
Người dân xã Đức Phổ nói đùa rằng, cây măng cụt là cây “dưỡng già”! Tìm hiểu mới vỡ lẽ, loại cây này rất ít tốn công chăm sóc, các hộ dân cứ rải phân chuồng (hoai) trên mặt đất, mưa hoặc tưới nước sẽ làm phân hủy ngấm dần vào đất để cây hấp thụ phát triển, không cần bón thêm bất cứ loại phân gì; quả măng cụt khi chín cứ rụng xuống đất chủ nhân nhặt lấy (không phải trèo hái) nên người già, sức khỏe yếu vẫn sản xuất tốt… Mặt khác, cây măng cụt có tuổi thọ rất cao (thường 30 năm cho quả); có lẽ vậy, người dân Cát Tiên đã đặt tên mới khá ngộ là cây… “dưỡng già”?!.
Điều đáng nói là phần lớn các hộ nông dân ở xã Đức Phổ có sáng kiến trồng xen cây măng cụt dưới tán điều, sầu riêng, chôm chôm… cho thu nhập chắc bẫm! Tiêu biểu như hộ ông Thạch Cảnh Bần (Thôn 2), với 7 sào đất trồng xen các loại cây trồng nói trên. Đặc biệt, hộ anh Phạm Thanh Duyên (Thôn 1) với 1,4 ha đất vườn anh cho trồng xen nhiều loại cây như: điều, tiêu, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và măng cụt… Trung bình mỗi năm, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, công cán, gia đình anh Duyên tích lũy trên 200 triệu đồng.
Anh Duyên cho hay, nếu mất mùa cây trồng này (ví dụ cây điều 2 năm vừa qua bị dịch bệnh thất thu), gia đình anh vẫn còn nguồn thu ở những cây trồng khác (sầu riêng, chôm chôm, tiêu, bưởi…). Riêng việc trồng cây măng cụt dưới tán các cây trồng khác còn có ưu điểm: cây măng cụt ưa bóng rợp, làm sạch cỏ vườn; trong khi sầu riêng có tuổi thọ chỉ từ 12 - 15 năm; khi loại cây này già cỗi phải thay thế thì cây măng cụt vẫn còn cho thu hoạch…
Được biết, hiện nay, sầu riêng của nông dân xã Đức Phổ được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Long Thủy (trụ sở tại huyện Bảo Lâm) thu, còn các sản phẩm cây ăn quả khác, nông dân tự mang ra chợ bán, hoặc gửi bán ở các tỉnh, thành phố khác…
Dù giá cả các loại cây ăn quả ở các địa phương khác trong tỉnh như: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Cát Tiên… hiện nay tương đối cao (trong đó, giá măng cụt từ 40.000 - 50.000 đồng/kg), song, vấn đề “đầu ra”, nhất là tính ổn định của các loại sản phẩm nông sản - nói chung đang được nông dân rất quan tâm, kỳ vọng vào sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp và các ban, ngành liên quan địa phương…