Cát Tiên nỗ lực phát triển vùng nguyên liệu diệp hạ châu
Mỗi hecta diệp hạ châu cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/vụ. Hiệu quả hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nên nếu có đầu ra, diện tích sản xuất diệp hạ châu ở Cát Tiên có thể tăng gấp nhiều lần hiện nay.
Gia đình chị Trần Thị Thiêm (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên), có 2 sào đất đang trồng diệp hạ châu được 40 ngày. Cứ mỗi 2 tháng chị thu 1 lứa được khoảng 2 tạ thân cây diệp hạ châu tươi. Với giá bán thô từ 50-52 ngàn/kg, mỗi tháng sẽ cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng, chưa trừ tiền phân và công làm cỏ.
Chị Thiêm giải thích: Cây diệp hạ châu trồng hữu cơ nên không thể dùng thuốc; hơn nữa, cây lên cùng cỏ - cũng không thể xịt thuốc diệt cỏ, mà phải dùng tay để nhổ bỏ từ lúc xuống giống cho đến lúc thu hoạch. Nếu không nhổ cỏ thường xuyên, cỏ sẽ cao vượt cây thuốc, lấn át cây thuốc, làm giảm năng suất. Nên ngày nào chị Thiêm cũng ra vườn. Lúc cỏ nhiều còn phải thuê thêm nhân công.
Trước đây, 2 sào đất này chị Thiêm trồng bắp và rau. Trồng bắp không vất vả bằng nhưng thu nhập thấp hơn; còn trồng rau thu nhiều hơn nhưng lại không đủ công chăm sóc và không tiêu thụ kịp. Vì vậy, nhiều năm nay chị chuyển hẳn sang trồng diệp hạ châu. Chị Thiêm trồng diệp hạ châu theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp huyện. Trước, mỗi năm chỉ thu bán 1-2 đợt cho Công ty Ladophar. Vài năm nay, Công ty Ladophar cung cấp giống mới và tổ chức thu hái tươi cho bà con, nên đỡ công phơi sấy và bảo quản.
Huyện Cát Tiên đã xây dựng được vùng nguyên liệu diệp hạ châu hơn 10 ha, chủ yếu tập trung trên địa bàn thị trấn Cát Tiên (quy hoạch 25 ha) và đang quy hoạch 15 ha ở xã Đức Phổ ở ven sông Đồng Nai - là nơi có chất đất phù sa thích hợp để cây diệp hạ châu có dược chất tốt hơn.
Vùng nguyên liệu diệp hạ châu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình GACP (thực hành tốt quy trình sản xuất và thu hái dược liệu).
Ở những vùng quy hoạch, huyện Cát Tiên kết hợp với Công ty Ladophar mang đất đi phân tích, đảm bảo điều kiện của tiêu chuẩn sản xuất sạch.
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Từ năm 2010, Cát Tiên đã đưa cây dược liệu vào Nghị quyết của Huyện Đảng bộ và diệp hạ châu là cây chủ lực. Năm 2011, cán bộ Phòng Nông nghiệp đến Viện dược liệu miền Trung đóng tại Phú Yên sưu tầm giống, tổ chức khảo nghiệm và làm đề tài khoa học “Quy trình sản xuất cây diệp hạ châu” vào năm 2012. Cứ thế, vừa làm vừa nghiên cứu và đánh giá sự phù hợp của cây diệp hạ châu trên đất Cát Tiên và nhận được kết quả tốt, dược chất diệp hạ châu Cát Tiên vượt trội so với cây diệp hạ châu cùng giống trồng trên đất Phú Yên từ 1-1,5 lần.
Hiện nay, quy trình sản xuất diệp hạ châu vẫn được bà con nông dân áp dụng, bảo đảm năng suất và chất lượng diệp hạ châu Cát Tiên ổn định. Từ cơ sở đó, huyện Cát Tiên tập trung phát triển gắn với quy hoạch và tìm kiếm thị trường. Qua sự hợp tác với Công ty Ladophar từ năm 2011, đến nay, huyện đã duy trì diện tích trồng diệp hạ châu. Năm 2016, huyện đã chính thức đón nhận và phát triển nhãn hiệu “Diệp hạ châu Cát Tiên”.
Theo bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar): Đối với công ty, ngoài đầu tư quy trình công nghệ, thì nguyên liệu đầu vào rất quan trọng và mang yếu tố quyết định. Diệp hạ châu là một sản phẩm chủ lực của Ladophar. Trong quá trình nghiên cứu của công ty thấy các thành phần hoạt chất của cây diệp hạ châu trồng trên đất Cát Tiên có dược tính rất tốt, so với các vùng nguyên liệu diệp hạ châu khác, như ở Phú Yên không hề thua kém về hàm lượng hoạt chất và còn cho năng suất cao.
Vùng nguyên liệu diệp hạ châu Cát Tiên đã được các cấp chính quyền quan tâm, bà con trồng cây diệp hạ châu theo quy trình VietGAP và GACP theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới. Ladophar cũng mời Bộ Y tế vào thẩm định và vùng Cát Tiên đã đạt chuẩn. Từ đó, Ladophar có cơ sở để tin tưởng chất lượng của diệp hạ châu Cát Tiên và chọn làm vùng sản xuất đầu vào nguyên liệu để đa dạng hóa các sản phẩm diệp hạ châu, cũng như nâng cao diện tích vùng nguyên liệu diệp hạ châu ở Cát Tiên; đồng thời, đóng góp một phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.